Không đánh mắng, nhưng đây là kiểu cha mẹ đáng sợ nhất: Im im tưởng vô hại mà ảnh hưởng cả đời con

Bố mẹ hết lòng yêu thương trẻ cũng có thể là người làm tổn thương trẻ nhiều nhất.

Từng có một video trên mạng xã hội Trung Quốc, kể về 1 cô gái họ Mã thu hút sự quan tâm của hàng trăm triệu người. Trong video, cô cho biết bản thân đã vật lộn với bệnh trầm cảm bảy năm qua, nhiều lần muốn tự tử. Nhưng khi cô nói với mẹ, bà trả lời: "Con vẫn luôn như thế, đã bao năm rồi? Con vẫn tỏ ra mình khác biệt, bản thân không tự chịu còn bắt ai chịu thay". 

Vào năm 2012, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về chứng trầm cảm của gần 3.000 thanh thiếu niên từ độ tuổi 10-25 tại Trung Quốc. Kết quả là cứ 5 trẻ thì 1 em bị trầm cảm. 

Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh kể chuyện: "Một cháu bị trầm cảm đi tái khám. Lúc chờ bác sĩ, cậu bé mở sách ra đọc, khi trở về bác sĩ khen: "Cháu chăm chỉ thật". Không ngờ mẹ cậu bé đáp trả ngay: "Chăm chỉ gì, chỉ toàn giả vờ". Bác sĩ rất nỗ lực hàn gắn tâm lý cho trẻ nhưng chỉ vì câu nói của người mẹ mà mọi công sức tiêu tan. "Nhiều cha mẹ thực sự không biết vì sao trẻ trầm cảm, cũng không hiểu tại sao có đứa đòi chết. Bố mẹ hết lòng yêu thương trẻ cũng có thể là người làm tổn thương trẻ nhiều nhất", vị bác sĩ nói.

Không đánh mắng, nhưng đây là kiểu cha mẹ đáng sợ nhất: Im im tưởng vô hại mà ảnh hưởng cả đời con- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với trẻ, sự đánh giá của cha mẹ chính là cách chúng nhận biết giá trị bản thân. Gặp trắc trở gì bố mẹ đều đổ lỗi cho trẻ, gặp thất bại gì trẻ cũng bị bố mẹ nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị hao mòn, lòng tự trọng bị đánh gục và cuối cùng rơi vào bóng tối.

Kiểu cha mẹ bề ngoài tưởng vô hại nhưng thực ra có thể "tàn phá" cả cuộc đời con

Nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn khi thừa nhận những cảm xúc tồi tệ mà đứa con phải chịu đựng. Đối diện với trẻ, họ thờ ơ, thậm chí cho rằng cảm xúc tiêu cực là do lỗi ở trẻ và không chấp nhận tình cảm thực sự của con cái. Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, việc bỏ mặc tình cảm còn tàn nhẫn hơn bạo lực. Chúng không làm tổn thương cơ thể, nhưng trừng phạt trái tim một cách mạnh mẽ nhất. Ở trong một gia đình như vậy lâu dài, đứa trẻ sẽ có lòng tự trọng thấp, không có cảm giác thân thuộc, bất an, thiếu tình yêu thương, thậm chí trầm cảm.

Nếu yêu con thì hãy quan tâm đến cảm xúc của con, dù con có làm sai điều gì cũng đừng phủ nhận giá trị của chúng. Thay vì tạo áp lực, hãy khuyến khích con bày tỏ cảm xúc thực của mình. Phụ huynh nên dành thời gian chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, tôn trọng ý kiến của con, cho con khoảng không gian riêng để phát triển.

Thậm chí, cha mẹ yêu con vẫn cần phải thể hiện tình yêu với con. Nhà tâm lý học người Mỹ Jeffrey Bernstein từng viết: "Bạn yêu con thôi chưa đủ. Nếu bạn không bày tỏ thành lời, đứa trẻ sẽ không thể cảm nhận được tình yêu của bạn".

Các bậc cha mẹ châu Á thường ngại thể hiện tình yêu với con bằng lời nói, đặc biệt là khi con qua bước tuổi nhũ nhi. Theo quan niệm truyền thống Á đông, cha mẹ nghĩ rằng bày tỏ bằng hành động chăm sóc, nuôi nấng... sẽ ý nghĩa và thiết thực hơn. Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu thương này khiến nhiều trẻ lầm tưởng cha mẹ không yêu mình. Trong khi đó, cha mẹ phương Tây thoải mái hơn trong việc này.

Nếu việc thốt ra lời yêu khiến bạn ngần ngại, có thể bắt đầu bằng việc viết một lời nhắn, một bức tranh, một lá thư gửi con với ba chữ “Bố/mẹ yêu con”, điều này sẽ rất có ý nghĩa với đứa trẻ.

Sự phát triển tâm hồn của một đứa trẻ giống như bắt đầu từ một tờ giấy trắng, những gì cha mẹ viết và vẽ trên đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách suốt đời của chúng. Tương lai của một đứa trẻ ra sao, tỏa sáng hay u tối, thành công rực rỡ hay thường thường bậc trung đều phụ thuộc lớn vào cách giáo dục của gia đình.