Sau 1 năm quay lại ghế Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn đã làm gì để “cứu” Novaland?

Sau 1 năm quay trở lại ghế Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 3/2/2023, ông Bùi Thành Nhơn khẳng định tài sản của công ty vẫn cân đối với các khoản nợ.
Sau 1 năm quay lại ghế Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn đã làm gì để “cứu” Novaland?- Ảnh 1.

Nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn hiện chỉ nắm khoảng 40% cổ phần. Ảnh: Int

Bán cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, HOSE: NVL) được biết đến là Tập đoàn đa ngành đang trên đà phát triển rất mạnh trong động thái NovaGroup liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A trong nhiều ngành nghề, thực hiện giấc mơ hệ sinh thái khổng lồ. Song, áp lực trái phiếu đáo hạn cuối năm 2022 đưa Novaland vào con đường xoay vần với liên tiếp sóng gió. Trước bối cảnh đầy khó khăn ngày 3/2/2023, ông Bùi Thành Nhơn đã chính thức quay trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT để trực tiếp chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.

Sau 1 năm khó khăn, sở hữu nhóm ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland ghi nhận giảm mạnh hơn 400 triệu cổ phiếu. Ngoài việc bản thân hệ sinh thái NovaGroup dùng cổ phiếu NVL để thế chấp cho các khoản vay và khi giá cổ phiếu giảm nhiều đã dẫn tới việc bị bán giải chấp để thu hồi các khoản vay của các công ty chứng khoán.

Đồng thời, 2 công ty của ông Nhơn là Novagroup và Diamond Properties cũng đã chủ động bán ra lượng lớn cổ phiếu NVL nhằm cơ cấu hỗ trợ nợ vay cho tập đoàn. Với việc liên tục bị bán giải chấp, tính từ đầu năm đến nay, 2 cổ đông lớn nhất của Novaland là Novagroup và Diamond Properties đã bán ra tổng cộng gần 30 triệu cổ phiếu NVL.

Sau 1 năm quay lại ghế Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn đã làm gì để “cứu” Novaland?- Ảnh 2.

Tỷ lệ sở hữu liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn trong gần 2 năm qua.

Sau nhiều lần thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn hiện chỉ còn nắm khoảng 40% cổ phần tại Novaland. So với cách đây một năm, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch NVL đã giảm khoảng 12% cổ phần. So với thời điểm tháng 6/2022, con số sụt giảm hơn 406 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 20% cổ phần. Với mặt bằng giá cổ phiếu NVL trong hơn một năm rưỡi qua thì ước tính số cổ phiếu này có giá trị tương ứng khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chính kém hiệu quả

Theo BCTC kiểm toán năm 2023, Novaland có doanh thu đạt gần 4.769 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ tư vấn quản lý và phát triển dự án ghi nhận giảm với biên độ lớn nhất lên đến 71,2% về còn hơn 505 tỷ đồng; doanh thu chuyển nhượng bất động sản cũng giảm sâu 55,5% về còn 4.102 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp trong năm 2023 của Novaland cũng ghi nhận giảm mạnh đến 69% so với năm 2022 xuống còn 1.322,2 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm 10,3% xuống mức 27,8%.

Đáng chú ý, trong năm 2023 Novaland ghi nhận 5.128 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu từ lãi các hợp đồng hợp tác đầu tư và thoái vốn công ty con. Tại mục lợi nhuận khác, công ty ghi nhận khoản thu từ việc phạt vi phạm hợp đồng hơn 1.035,9 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2022; chi phí khác ở mức 348,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận khác còn 726,3 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, Novaland đem về lợi nhuận trước thuế hơn 1.998,8 tỷ đồng, lãi ròng 485,8 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có khoản thu từ việc phạt vi phạm hợp đồng hơn 1.035,9 tỷ đồng, Novaland sẽ ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 550,1 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặc dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhưng hoạt động tài chính và thu nhập khác là hai nguồn đem lại dòng tiền “khủng” cho Novaland, là “trụ đỡ” tài chính giúp Novaland báo lãi trong năm 2023.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2023 của Novaland ở mức 45.302 tỷ đồng; nợ phải trả là 196.183 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính đạt 57.712 tỷ đồng, giảm gần 7.200 tỷ đồng so với số đầu năm. Doanh nghiệp này đang nợ ngân hàng 9.355 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 38.626 tỷ đồng.