Nhìn lại 20 năm thực hiện Đề án phát triển Phú Quốc: Đảo Ngọc lột xác ngoạn mục, phát triển toàn diện, tiệm cận đẳng cấp thế giới

Từ một huyện đảo xa xôi, kém phát triển, Phú Quốc đã vươn mình thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, với cơ sở hạ tầng hiện đại, những công trình mang đẳng cấp quốc tế, đời sống người dân được nâng cao, vị trí của Phú Quốc thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới.

Nhìn lại 20 năm thực hiện Đề án phát triển Phú Quốc:
Đảo Ngọc lột xác ngoạn mục, phát triển toàn diện, tiệm cận đẳng cấp thế giới- Ảnh 1.

Sự chuyển mình ngoạn mục

Sân bay Phú Quốc tấp nập những chuyến bay quốc tế hạ cánh. Những đoàn khách ngoại quốc đổ dồn về Thị trấn Hoàng Hôn để đi cáp treo, check-in Cầu Hôn hay xem show diễn Kiss Of The Sea… Đó là những hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại đảo Ngọc trong những ngày cuối tháng 3 – thời điểm Phú Quốc đẹp nhất trong năm.

Ước tính mỗi ngày, Phú Quốc đón trên 15 chuyến bay quốc tế; cao điểm có những ngày đón tới 20 chuyến bay quốc tế. Dịp Tết vừa qua, khách quốc tế đến Phú Quốc tăng 6 lần so với cùng kỳ. Thống kê của tỉnh Kiên Giang cho thấy, lượng du khách đến tham quan du lịch Phú Quốc tăng đáng kể trong giai đoạn 2005-2023.

Nếu như năm 2004 chỉ có 130.400 lượt khách thì đến cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,4 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng hơn 40 lần. Lượng du khách quốc tế là hơn 521.000 lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2022, vượt 49% kế hoạch năm, cho thấy Phú Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn và có sức hút lớn đối với khách quốc tế.

Nhìn lại quá trình phát triển trong suốt 20 năm qua (2004-2024), có thể nói du lịch đảo Ngọc đã tiến bước dài. Từ vạch xuất phát năm 2004, Phú Quốc chỉ có hơn 55 cơ sở lưu trú thì đến nay đã có hơn 471 cơ sở lưu trú, trong đó có đến 17 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại của Phú Quốc đã tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách, từ đó khẳng định thương hiệu du lịch cao cấp cho Phú Quốc. Tính chung doanh thu từ hoạt động lưu trú, dịch vụ du lịch năm 2023 đã đạt 6.848 tỷ đồng, tăng gần 50 lần so với năm 2004.

Các lĩnh vực kinh tế xã hội khác cũng đạt nhiều thành tựu. Theo đó, tổng thu ngân sách của Phú Quốc đã tăng cao qua các năm, đóng góp tỷ lệ lớn vào ngân sách chung của tỉnh. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Nhìn lại 20 năm thực hiện Đề án phát triển Phú Quốc:
Đảo Ngọc lột xác ngoạn mục, phát triển toàn diện, tiệm cận đẳng cấp thế giới- Ảnh 2.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so với năm 2004. Thu hút đầu tư khởi sắc, nhiều doanh nghiệp được thành lập với số lượng không ngừng tăng qua các năm.

Hạ tầng giao thông không ngừng được hoàn thiện. Một số tuyến đường có quy mô đầu tư lớn như: Đường trục chính Nam-Bắc đảo dài 52km; đường vòng quanh đảo dài 117 km... Hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng biển quốc tế An Thới, đang đầu tư xây dựng Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc với tổng vốn đầu tư là 1.645 tỷ đồng, khi hoàn thành có thể đón tàu khách có sức chở 5.000-6.000 người. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang chuẩn bị mở đường băng thứ 2 nâng tổng công suất lên 10 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Định vị điểm đến thu hút khách quốc tế

Suốt 2 thập kỷ qua, Phú Quốc đã dần định vị điểm đến du lịch sang trọng của Việt Nam và thế giới, thu hút ngày càng đông khách quốc tế. Thành tích này có được trước hết nhờ chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế đến Phú Quốc và nhờ việc thu hút các nhà đầu tư lớn kiến tạo trải nghiệm du lịch đa dạng cũng như hệ thống hạ tầng lưu trú hiện đại. Đảo Ngọc ngày nay hiện diện hầu hết các thương hiệu quản lý khách sạn danh tiếng như Marriott, Melia… Đặc biệt, 2 thương hiệu quản lý khách sạn siêu sang Ritz Carlton Reserve và The Luxury Collection vừa hiện diện tại đảo Hòn Thơm.

Lĩnh vực vui chơi giải trí cũng là một điểm sáng của Phú Quốc trong những năm qua. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo nên sản phẩm mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Quần thể "thành phố không ngủ" Grand World, khu vui chơi giải trí Vinwonder, Khu vườn thú bán hoang dã Safari, khu du lịch Sun World Hon Thom với tuyến cáp treo dài nhất thế giới…

Đặc biệt, cuối năm ngoái, quần thể Thị trấn Hoàng Hôn – Sunset Town ra mắt hàng loạt sản phẩm độc đáo gồm khách sạn La Festa, chợ đêm Vui Phết, show diễn nghệ thuật đa phương tiện Kiss Of The Sea, show trình diễn pháo hoa nghệ thuật hàng đêm, cầu Hôn… với số vốn lên đến 4.000 tỷ đồng, biến nơi đây thành điểm đến mới của thế giới, điểm đến của khách hạng sang, thậm chí những tỷ phú lớn trên thế giới.

Rất nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác như du lịch sinh thái gắn với tài nguyên biển, đảo; du lịch gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa; du lịch làng nghề; du lịch gắn với lễ hội, tín ngưỡng; du lịch MICE… giúp đảo Ngọc thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.

"Phú Quốc có đủ các điều kiện nền tảng để trở thành điểm đến sang trọng, đẳng cấp thế giới, thậm chí, thuộc hạng nhất. Phú Quốc có tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp, còn chưa được khai thác hết tầm. Nếu nối Phú Quốc với Côn Đảo, Nha Trang, chúng ta sẽ thấy một vành đai biển tuyệt vời, đích thực là siêu hạng", PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Chưa có nơi nào tần suất mở tuyến bay quốc tế lại nhanh như Phú Quốc. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang chuẩn bị mở đường băng thứ hai nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu lượt hành khách/năm. Và không chỉ có hàng không, các tuyến cảng biển, tàu biển cũng bắt đầu được khai thông, mở rộng cửa đón du khách.

Khát khao cơ chế "mở" để phát triển nhanh, mạnh hơn

Thực tế, mặc dù đã có những bước phát triển nhanh và đáng ghi nhận, song so với những tiềm năng mà Phú Quốc sở hữu thì sự phát triển ấy vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, để có thể "tăng tốc" trong thời gian tới, Phú Quốc rất cần những cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chúng ta đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho Phú Quốc, ít nơi có được, nhưng Phú Quốc thật sự cần nhiều hơn thế - không phải cần để Phú Quốc "trội" hơn địa phương khác, mà cần để Phú Quốc phát huy đúng lợi thế và tiềm năng.

"Phú Quốc hoàn toàn xứng đáng với sự quan tâm như vậy. Vì lẽ đơn giản Phú Quốc có thể được coi là báu vật của thiên nhiên; trên thế giới, cho đến giờ, ít nơi đẹp như Phú Quốc mà vẫn còn duy trì, giữ được vẻ đẹp đẳng cấp còn đậm chất hoang sơ. Chiến lược, chính sách để giữ gìn báu vật phải tương xứng với đẳng cấp đó", ông Thiên nói.

Tỉnh Kiên Giang sắp tổ chức tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc. Đây là cơ hội để địa phương này đề xuất những chính sách phù hợp, tháo gỡ những nút thắt giúp Phú Quốc phát triển tương xứng với tiềm năng.

 

Nhìn lại 20 năm thực hiện Đề án phát triển Phú Quốc:
Đảo Ngọc lột xác ngoạn mục, phát triển toàn diện, tiệm cận đẳng cấp thế giới- Ảnh 3.


Theo đó, tỉnh cũng dự kiến đề xuất những chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng bao gồm giao thông, công trình cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải… để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững; chính sách thu hút đầu tư; tăng phân bổ ngân sách và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương…

Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tỉnh cũng dự kiến đề xuất việc áp dụng chính sách miễn thị thực, quá cảnh, nhập cảnh đặc biệt vào Phú Quốc để thu hút khách quốc tế nhiều hơn nữa. Như việc tăng thời hạn tạm trú của người nước ngoài được miễn thị thực tại Phú Quốc từ 30 ngày lên 90 ngày; cho phép người nước ngoài được miễn thị thực tại Phú Quốc được quá cảnh tại 3 Cảng hàng không lớn nhất cả nước trước khi nhập cảnh vào Phú Quốc; cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với mục đích du lịch ngoài TP Phú Quốc…

Nếu được tạo những cơ chế chính sách thuận lợi, chắc chắn Phú Quốc sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa để xứng danh thành phố đảo đầu tiên – duy nhất của Việt Nam, cũng như trở thành điểm du lịch hạng sang của khu vực và thế giới.