1 điểm mới trên quân phục cảnh sát đặc nhiệm: Là gì mà được khen "có thể cứu sinh mạng nhiều người lính"?

Một chi tiết đặc biệt mới xuất hiện trên quân phục của lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Sáng ngày 14/4, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (15/4/1974 – 15/4/2024). Được biết có hơn 5.000 chiến sĩ cùng với rất nhiều trang thiết bị, phương tiện đặc chủng đã tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm. Đây là lần biểu dương, phô diễn sức mạnh trang thiết bị của lực lượng cảnh sát cơ động với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 

Đặc biệt, trong buổi diễu binh, diễu hành, nhiều người đã nhìn thấy trên bộ quân phục mới của lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm và Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố xuất hiện thêm những miếng dán có ký hiệu khác nhau như, O, B, A, AB,... 

Nhóm chữ cái này chính là ký hiệu nhóm máu của từng người lính.

Miếng dán nhóm máu - Thay đổi nhỏ nhưng có thể cứu sinh mạng nhiều người lính

1 điểm mới trên quân phục cảnh sát đặc nhiệm: Là gì mà được khen

Ảnh: Thông tin Chính phủ

Hình ảnh những miếng dán nhóm máu xuất hiện trên quân phục mới của lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm và Trung tâm huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố được cho là một thay đổi nhỏ nhưng thể hiện tính chuyên nghiệp và sự quan tâm đến sinh mạng người lính. Ví dụ, trong trường hợp bị thương, bác sĩ chỉ cần nhìn miếng dán này là có thể chọn ngay máu phù hợp để truyền máu cứu sống người lính mà không cần mất thời gian chờ kết quả xét nghiệm. 

Các tài khoản mạng xã hội cũng ca ngợi đây là thay đổi “ý nghĩa và thiết thực”, “tuyệt vời”, “sáng tạo”, “thể hiện tính chuyên nghiệp và sự cẩn trọng cho sinh mạng người lính”,... Nhiều tài khoản mạng xã hội còn bày tỏ hy vọng trong một ngày không xa, miếng dán nhóm máu sẽ xuất hiện trên nhiều trang phục của các ngành, nghề khác, hoặc tích hợp trên thẻ căn cước công dân.

Trên thực tế, tại nhiều công trường, nhà máy sản xuất của Nhật Bản, Hàn Quốc, công nhân cũng được đội những chiếc mũ bảo hộ có đính tên và nhóm máu của mình. Hoặc trên thẻ bài quân nhân của Mỹ, thẻ căn cước đăng ký quốc gia của công dân Singapore, giấy phép lái xe của người dân nhiều bang nước Mỹ,... cũng có thông tin về nhóm máu.

Tầm quan trọng của việc biết nhóm máu

Theo Donald Karcher, chủ tịch của Hiệp hội Bệnh học Hoa Kỳ, việc biết nhóm máu có thể giúp bạn hiểu được sức khỏe tổng quát của mình. Đây cũng là điều hết sức quan trọng trong những tình huống cụ thể như gặp nạn và cần truyền máu khẩn cấp.

Ngoài ra, trong một số trường hợp như phẫu thuật hoặc khi mang thai, việc biết được nhóm máu cũng rất quan trọng để phòng ngừa nguy cơ mất máu hoặc tầm soát những bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi. Không những vậy, việc biết được nhóm máu của mình còn giúp bạn có thể hiến máu giúp đỡ người khác trong trường hợp khẩn cấp.

1 điểm mới trên quân phục cảnh sát đặc nhiệm: Là gì mà được khen

Các nhóm máu và sơ đồ truyền máu. Cột dọc: Nhóm máu người nhận; Cột ngang: Nhóm máu người hiến (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Australia)

Theo Felix Ortiz-Plaza, nhân viên đảm bảo chất lượng của Trung tâm Hiến máu Fort Leonard Wood (Mỹ), cho rằng trong những trường hợp khẩn cấp, nạn nhân thường cần được truyền máu ngay lập tức. Việc kiểm tra nhóm máu thường mất khoảng 45 phút. Do đó, nếu không biết nhóm máu sớm để truyền máu kịp thời, nạn nhân có thể bị mất máu, đe dọa tính mạng.

Chuyên gia Ortiz-Plaza cũng nhấn mạnh, việc nhận nhóm máu tương thích cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân nhận nhầm nhóm máu có thể dẫn đến phản ứng truyền máu tán huyết cấp với các triệu chứng từ sốt đến suy thận, từ đó gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.