Vinamilk đặt mục tiêu mỗi tháng thu hơn 200 triệu USD

Vinamilk lên kế hoạch năm 2023 đạt 63.380 tỷ đồng doanh thu và 8.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2022.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE:VNM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu đạt 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2022 (tương đương mỗi tháng thu về hơn 5.281 tỷ đồng, xấp xỉ 225 triệu USD).

Công ty đặt kỳ vọng sẽ thu về 8.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2022. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng lên kế hoạch lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty mẹ ở mức 8.514 tỷ đồng.

Theo tài liệu được công bố, năm 2023, HĐQT Vinamilk đề xuất trình kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty. Trong đó, cổ tức đợt 1 dự kiến được chi trả bằng tiền với tỉ lệ 15% (tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng là 5/8 và dự kiến thanh toán ngày 5/10/2023. 

Trước đó vào năm 2022, Vinamilk đã tiến hành tạm ứng 2 lần cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ lần lượt là 15% và 14%. Với 2,09 tỷ cổ phiếu VNM đang lưu hành trên thị trường, Vinamilk đã chi trả hơn 6.061 tỷ đồng cho các cổ đông công ty.

Thông tin về mức cổ tức đợt cuối của năm 2022, Vinamilk dự kiến mức chi trả là 950 đồng/cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng là 5/8/2023 và ngày thanh toán là 5/10/2023. Như vậy, dự kiến tổng cổ tức của năm 2022 là khoảng 8.046 tỷ đồng.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vinamilk đặt mục tiêu mỗi tháng thu hơn 200 triệu USD

 Diễn biến thị giá cổ phiếu VNM (Nguồn: TradingView).

Cũng tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Vinamilk đề xuất phê duyệt tổng thù lao và các lợi ích năm 2023 cho HĐQT là 25 tỷ đồng với cơ cấu 11 thành viên. Thù lao và các lợi ích cho HĐQT sẽ được tính và chi trả tương ứng với số lượng thành viên thực tế. 

Theo báo cáo mới đây của VNDirect Research về Vinamilk, các chuyên gia cho rằng, hầu hết các ngành thâm dụng lao động đều đang đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. 

Theo ban lãnh đạo của VNM, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Chính vì vậy nhu cầu đối với sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu.

Bên cạnh đó, Vinamilk đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột. Trong năm 2022, công ty chưa tung ra sản phẩm mới nào đáng chú ý trong khi các hoạt động khuyến mại bị cắt giảm.

Doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc kênh bán trong năm 2022 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số nửa đầu năm 2023 cũng như chưa thấy những sản phẩm đột phá mới của VNM để tạo động lực tăng trưởng doanh thu.

Trong giai đoạn 2023 – 2024, VNDirect kỳ vọng doanh nghiệp sẽ duy trì thị phần không đổi với sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 1% (năm 2023) và 2% (năm 2024) so với cùng kỳ. Trong khi giá bán trung bình không đổi trong năm 2023 và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ trong năm 2024. Từ các yếu tố trên, doanh thu nội địa của Vinamilk có thể sẽ tăng lần lượt 1% và 3% so với cùng kỳ trong năm 2023 và 2024.