Dấu hỏi tài chính ở Prudential: Doanh thu bảo hiểm và lợi nhuận cùng sụt giảm 2 chữ số, kiểm toán lưu ý 2 vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra

Theo kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính, Prudential bị truy thu 148 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2021. Đối với các năm khác, hiện chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng, nên có thể sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế từ những khoản chi phí tương tự.

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023.

Theo đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 12,9% đạt 26.594 tỷ đồng, tổng doanh thu của Prudential đạt 37.250 tỷ đồng, tăng 7,6% nhờ đóng góp của doanh thu từ hoạt động đầu tư. Lợi nhuận sau thuế là 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4%.

Tổng giá trị tài sản của Prudential đạt 176.673 tỷ đồng, tăng 9,2%. Tổng tài sản đầu tư trái phiếu Chính phủ đạt 72.116 tỷ đồng, tăng 14,1%.

Theo Prudential, tổng bồi thường bảo hiểm đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 16%. Tổng số ca chi trả bồi thường bảo hiểm trong năm 2023 là 179.000 trường hợp.

Báo cáo tài chính của Prudential cho biết ngày 28/12/2023, Cục Thuế doanh nghiệp lớn đã ban hành quyết định xử phạt cụ thể cho năm 2021 theo yêu cầu của Bộ Tài chính - Cục quản lý, giám sát bảo hiểm về kiến nghị xử lý tài chính nêu tại Kết luận thanh tra số 812/KL-BTC ngày 29/6/2023.

Theo yêu cầu tại quyết định xử phạt, số thuế thu nhập doanh nghiệp 148,06 tỷ đồng bị truy thu cho năm 2021 đã được nộp vào Ngân sách Nhà nước ngày 4/1/2024.

Liên quan đến vấn đề này, đơn vị kiểm toán Ernst & Young có lưu ý đối với 2 thuyết minh.

Thứ nhất, sau khi nộp số thuế bị truy thu cho năm 2021 và thực hiện rà soát theo yêu cầu nêu tại Kết luận thanh tra, Công ty đã có báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản cho Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm ngày 6/2/2024 cùng với các cơ sở chứng từ cần thiết để hoàn tất các yêu cầu đã nêu tại Kết luận thanh tra nói trên.

Tại ngày lập báo cáo tài chính này, Công ty chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn thực hiện chi tiết nào khác từ các cơ quan quản lý liên quan đến các khoản chi phí được xem xét tại Kết luận thanh tra. Trường hợp có thêm những hướng dẫn khác không thuận lợi từ các cơ quan chức năng liên quan đến các khoản chi phí tương tự các khoản chi phí được xem xét tại Kết luận thanh tra, nghĩa vụ thuế phát sinh từ những khoản chi phí này trong các năm tài chính khác có thể bị ảnh hưởng. Tại ngày lập báo cáo tài chính năm 2023, ảnh hưởng tiềm tàng này chưa xác định được.

Thứ hai, dựa theo Kết luận thanh tra số 812/KL-BTC ban hành ngày 23/6/2023 và quyết định của Tổng cục Thuế, công ty đã thực hiện trình bày lại một số dữ liệu tương ứng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành phân loại lại một số khoản mục tài sản để đảm bảo tính so sánh với số liệu của năm hiện hành.

Một số khoản mục có sự thay đổi lớn. Chẳng hạn, toàn bộ tài sản dài hạn khác từ 4.058 tỷ đồng giảm về 0, bù lại chi phí trả trước dài hạn tăng 4.058 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác giảm 1.590 tỷ đồng, trong khi phải thu dài hạn khác tăng 1.590 tỷ đồng.

Thuế phải nộp nhà nước tăng thêm 148 tỷ đồng và ngược lại, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 148 tỷ đồng.

Dấu hỏi tài chính ở Prudential: Doanh thu bảo hiểm và lợi nhuận cùng sụt giảm 2 chữ số, kiểm toán lưu ý 2 vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra- Ảnh 1.

Tại thời điểm 31/12/2023, vốn điều lệ Prudential là 6.398 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty cho biết vào ngày 19/3/2024, công ty đã được Bộ Tài chính phê duyệt tăng vốn lên 7.698 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ Prudential đã tăng thêm 1.300 tỷ đồng.

Hà My