Sau Tết, một số ngành nghề tiếp tục gặp khó

Khác với các năm trước, năm nay tỷ lệ NLĐ trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đạt cao hơn, dù khó khăn với ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ sẽ còn tiếp tục khi thị trường xuất khẩu giảm nhu cầu.

Ngày 30/1, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, tới nay gần như toàn bộ các DN trong khu công nghiệp của Hà Nội đã hoạt động trở lại sau tết. Tỷ lệ NLĐ trở lại nhà máy làm việc đạt gần 98% so với trước khi nghỉ tết , tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.

“Các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội đều được thành lập từ lâu, các DN hoạt động ở đây từ 7-10 năm trở lên. Vì vậy, hoạt động sản xuất DN được duy trì ổn định, đa số người NLĐ làm việc nhiều năm tại DN nên gắn bó, hết nghỉ tết đều trở lại làm việc. Tỷ lệ nghỉ, chuyển việc thấp. Việc biến động NLĐ lớn vào đầu năm chủ yếu xảy ra ở các địa phương có những khu công nghiệp mới, với nhiều DN mới hoạt động”, vị đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội nói.

Sau Tết, một số ngành nghề tiếp tục gặp khó - Ảnh 1.

Dệt may, da giày, chế biến gỗ... tiếp tục được dự báo đối mặt khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cho biết, tổng hợp báo cáo từ tổ chức công đoàn các địa phương cho thấy, đến ngày 30/1, cả nước có hơn 95% NLĐ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN diễn ra bình thường trở lại. Tỷ lệ NLĐ trở lại DN làm việc sau Tết tăng khá nhanh, khi ngày 27/1 trước đó, cả nước mới có khoảng 50% DN mở cửa hoạt động lại, với tỷ lệ làm việc chỉ đạt 50% (thậm chí có địa phương tỷ lệ NLĐ trở lại làm việc chỉ đạt 20%).

Tổng hợp báo cáo các cấp công đoàn cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đã có gần 6,5 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được tổ chức công đoàn chăm lo tết. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 4.581 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.954 tỷ đồng, từ nguồn kêu gọi xã hội hóa trên 2.627 tỷ đồng. Số kinh phí trên được sử dụng để hỗ trợ quà tết và tiền tới gần 4,5 triệu lượt đoàn viên, NLĐ (tổng số tiền trên 4.239 tỷ đồng); hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay, phương tiện cho công nhân về quê đón tết (kinh phí trên 183 tỷ đồng); các hình thức hỗ trợ khác (kinh phí trên 140 tỷ đồng).

Đánh giá về tình hình thị trường LĐ, việc làm đầu năm 2023, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, với tình hình kinh tế - xã hội trong nước được duy trì ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sẽ sớm ổn định trở lại. Qua đó giúp thị trường việc làm và lao động phục hồi.

Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm, với nhu cầu tuyển mới cao hơn số mất việc làm trong các DN cuối năm 2022.

Dù vậy, theo bà Hà, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ở một số ngành nghề thâm dụng nhiều LĐ, như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí... sẽ tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng, nên tiếp tục gặp khó khăn. Tình trạng này có thể kéo dài tới hết quý 1/2023, nên tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người LĐ, tình hình quan hệ LĐ sẽ có những diễn biến phức tạp, tranh chấp LĐ có thể xảy ra nhiều hơn.

Các DN gặp khó khăn chủ yếu do những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu giảm nhu cầu tiêu dùng dẫn tới cắt giảm cả đơn hàng đã ký lẫn đơn hàng mới.

Số liệu công bố trước đó của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tới hết năm 2022, cả nước có 528 DN bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ...

Tại các DN này, có hơn 637 nghìn NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 53 nghìn người bị mất việc, còn lại chủ yếu là giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng.