Đầu tư từ năm 14, bỏ Đại học: Quá trình xây dựng đế chế bất động sản 2,9 tỷ USD của tỷ phú Roy Carroll

Tận dụng khủng hoảng và theo đuổi chiến lược kinh doanh độc đáo, Roy E. Carroll II đã gây dựng một đế chế bất động sản hàng đầu nước Mỹ sau hơn 5 thập kỷ khởi nghiệp. 

Dù là tỷ phú giàu nhất thành phố Greensboro (Mỹ), Roy E. Carroll II vẫn ưu tiên lối sống giản dị. Ông thường mặc quần kaki, áo polo sọc, dùng đồng hồ Apple và thường xuyên dùng tiệc nướng ngoài trời với 80 nhân viên của Công ty Carroll. 

Không chỉ là nhà sáng lập, Caroll (60 tuổi) còn là CEO công ty cùng tên. Ông thành công nhờ việc mua đất giá rẻ rồi phát triển nó thành những khu chung cư sinh lợi. 

Roy E. Carroll II. Ảnh: Greensboro News and Record. Roy E. Carroll II. Ảnh: Greensboro News and Record.

Chiến lược nhất quán

“Warren Buffett tìm kiếm những công ty tuyệt vời và không giao dịch nhiều. Triết lý của chúng tôi trong lĩnh vực bất động sản cũng như vậy. Hãy tìm một vị trí tốt và giữ nó. Tại sao lại bán con ngỗng vàng chứ,” Caroll nói. 

Đây là chiến lược mà Caroll đã theo đuổi từ khi còn thiếu niên. Sinh năm 1962 trong một gia đình có cha mẹ thuộc tầng lớp lao động, Caroll đã phải làm nhiều công việc khi còn thiếu niên như cắt cỏ, trả lại chai lọ, bán kẹo,...

Năm 14 tuổi, ông dùng 1.000 USD tiết kiệm (tương đương 5.000 USD ngày nay) để mua một căn nhà rộng 74 m2 ở Danville, Virginia. Caroll tự sửa chữa căn nhà và bán lại một năm sau đó. Ông dùng tiền lãi để mua một chiếc Ford Mustang dù còn chưa đủ tuổi lái xe. 

Khi có bằng lái năm 16 tuổi, Caroll được nhận làm tài xế xe buýt cho trường học. Ông còn nhận thêm nhiều việc khác như cắt cỏ sân golf hay đóng hàng tạp hóa. Kinh tế gia đình trở nên eo hẹp khi Caroll lên Đại học và bố ông - cũng tên Roy Caroll bị mất việc ở cửa hàng tạp hóa. 

Lúc này, Roy E. Carroll II nghỉ học tại Cao đẳng Emmanuel ở Georgia để chuyển về Đại học Bắc Carolina gần nhà hơn. Tuy nhiên tiền học phí vẫn quá đắt đỏ với gia đình Carroll, khiến ông phải nghỉ học. Khi đang bế tắc, Carroll và cha mình được một người bạn nhờ giám sát xây dựng ngôi nhà mới. 

Đây cũng là bước ngoặt đưa Carroll đến với ngành xây dựng - bất động sản. 

“Hai bố con tôi xây nhà, đóng đinh, quét sàn. Khi chúng tôi hoàn thành công việc, lại có thêm người khác nhờ chúng tôi xây. Chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng mình có thể kiếm sống bằng nghề xây dựng", Carroll nhớ lại. 

Khởi nghiệp cùng bố

Hai cha con thành lập một công ty xây dựng nhà ở Greensboro vào năm 1983, khi Roy 21 tuổi với số vốn 10.000 USD. Đến năm 1991, công ty đạt thành công nhất định và đã mở rộng hoạt động ra 3 quận trong thành phố.

Roy E. Carroll II và cha mỗi người nhận 1/3 lợi nhuận và đầu tư phần còn lại vào công ty, cho phép họ phát triển mà không cần vay nợ. Tuy nhiên Carroll ngày càng tham vọng muốn mở rộng kinh doanh hơn nữa. Vậy nên chỉ ít lâu sau đó, ông mua lại 50% cổ phần từ bố và tự mình điều hành doanh nghiệp. 

Carroll bắt đầu mua đất ở Bắc Carolina, chia nó thành nhiều lô và xây dựng những ngôi nhà sơ khai. Mô hình kinh doanh vẫn như cũ, với phần lớn lợi nhuận được tái đầu tư vào công ty.  Nhưng đến cuối những năm 1990, Carroll quyết định muốn tạo ra thu nhập ổn định hơn là sống nhờ bán nhà - vì vậy, ông chuyển đến những tòa nhà chung cư sinh lời cao hơn.

Trong hai thập kỷ qua, Roy E. Carroll II đã phát triển mô hình này từ thành phố quê hương ra 26 thị trấn và thành phố trên khắp nước Mỹ. Ông vẫn có một công ty con chuyên xây dựng nhà nhỏ, nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tài sản ròng của ông.

Sau mảng căn hộ, các kho tự lưu trữ Bee Safe chiếm 9% tài sản của Carroll. Dịch vụ tự lưu trữ phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch khi người Mỹ tích trữ nhiều hàng hóa hơn, biến các kho lưu trữ trở thành một trong những loại bất động sản hoạt động tốt nhất toàn nước Mỹ. Công ty Carroll hiện đang có 29 địa điểm lưu trữ và thêm 15 địa điểm khác đang được triển khai. 

Roy E. Carroll II là người giàu nhất thành phố Greensboro. Ảnh: The Business Journals. Roy E. Carroll II là người giàu nhất thành phố Greensboro. Ảnh: The Business Journals.

Liên doanh mới nhất của Carroll là bất động sản công nghiệp thành lập năm 2019. Tận dụng vị trí chiến lược của Greensboro với bốn đường cao tốc liên bang, Carroll phát triển các khu đất trống bỏ hoang nhiều thập kỷ trước thành các nhà kho và nhà máy sản xuất. Các khách hàng của ông bao gồm công ty vệ sinh cá nhân Ontex và chuỗi siêu thị Publix đã khởi công xây dựng một trung tâm phân phối trị giá 400 triệu USD vào năm 2020. 

Chuẩn bị trước cho khủng hoảng

Sau gần 5 thập kỷ khởi nghiệp, Carroll đã gây dựng được khối tài sản trị giá 2,9 tỷ USD, bao gồm hơn 13.000 căn hộ và 29 cơ sở lưu trữ tự quản, cũng như các dự án đất công nghiệp và mục đích sử dụng hỗn hợp.

Kể từ khi bán căn nhà đầu tiên vào năm 1976, Carroll cho đến nay mới chỉ bán 2 tòa nhà chung cư ở Nam Carolina. Tuy nhiên ông hối hận ở cả hai thương vụ này và cố gắng mua lại hai tòa sau khi bán. 

Việc ít giao dịch khiến Carroll gặp khó trong việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Đổi lại, ông giữ tỷ lệ nợ ở mức tương đối thấp (chỉ khoảng 40%) và có thể hành động nhanh chóng mỗi khi có cơ hội.

“Hầu hết mọi người huy động vốn từ các nhà đầu tư và cần triển khai nó. Chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi giữ tiền trong tài khoản ngân hàng cho đến khi đến thời điểm thích hợp,” Carroll nói. 

Carroll coi vị trí là một trong những điểm quan trọng nhất để đánh giá giá trị bất động sản. Nhưng khác với số đông, ông thường chọn mua những bất động sản ở vị trí kín đáo nhất. Ông từng mua một tòa tháp ngân hàng bỏ hoang, chuyển đổi nó thành khu chung cư sang trọng và giúp hồi sinh khu thương mại đang "hấp hối" ở Greensboro. Đây cũng là nơi ông đang sinh sống và là trụ sở Công ty Carroll. 

Roy E. Carroll II nhận định thị trường bất động sản đang Mỹ đứng trước nguy cơ khủng hoảng - tương tự những gì ông đã dự đoán trong cuộc Đại suy thoái năm 2008. Ông không phải người duy nhất dự đoán như vậy. Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích Moody đã đưa ra "dấu hiệu cảnh báo" cho thị trường bất động sản khi nhiều gia đình Mỹ không thể trang trải chi phí thuê nhà trong khi lãi suất cao hơn. 

"Có nhiều sự tương đồng trong giai đoạn này với hồi 2007 - 2008. Nhưng chúng tôi sẽ không bán tài sản. Tôi đã tạm dừng đầu tư và xây dựng mới, giữ sẵn tiền mặt để mua thêm bất động sản nếu giá giảm. Giờ đây, chúng tôi đang cố gắng tiết kiệm từng đồng USD. Phát triển bất động sản là một ngành kinh doanh rủi ro. Giữ vững nguồn vốn là bảo hiểm để giúp tôi vượt qua bão tố", Carroll chia sẻ.

Link bài gốc

Link nội dung: https://doanhnhanvietnam.info/dau-tu-tu-nam-14-bo-dai-hoc-qua-trinh-xay-dung-de-che-bat-dong-san-29-ty-usd-cua-ty-phu-roy-carroll-a58865.html