Nhà thầu An Phong - đối thủ đáng gờm của Xây dựng Hòa Bình, Ricons

An Phong là nhà thầu xây dựng cho nhiều dự án của Vingroup, Khang Điền, Nam Long, CT Group, Sacomreal, Thaco, Co.op Sài Gòn, tập đoàn SSG.

Đi ngang khu "đất kim cương" đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM, nhiều người hẳn sẽ nhìn thấy tòa nhà The Sun Tower với nhà thầu là An Phong. Cùng với đó, An Phong còn thi công dự án Grand Marina Saigon - dự án bất động sản hàng hiệu cũng của Masterise Homes.

Nhà thầu An Phong - đối thủ đáng gờm của Xây dựng Hòa Bình, Ricons - Ảnh 1.

An Phong làm nhà thầu xây dựng dự án The Sun Tower. Ảnh: Quang Anh

An Phong không chỉ là đối tác xây dựng của Masterise Homes. Doanh nghiệp này còn làm nhà thầu nhiều công trình trên khắp cả nước của Vingroup, Khang Điền, Nam Long, CT Group, Sacomreal, Thaco, Co.op Sài Gòn, tập đoàn SSG... Một số dự án đáng chú ý do doanh nghiệp thi công như Swan Bay - Zone 6 (Đồng Nai), Lovera Khang Điền, Empire City, Gem Center (TP HCM), Vinpearl Nha Trang, The Arena Cam Ranh (Khánh Hòa), Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk)...

Tại An Phong, ông Trần Thế Hoan là Chủ tịch Hội đồng Thành viên còn ông Nguyễn Khắc Đồng làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ông Hoan còn được biết đến là người đại diện pháp luật của Công ty TNNN Thương mại Dịch vụ Du lịch Xây dựng Kinh doanh Nhà Định An.

Tự nhận mình “trẻ” trong ngành, An Phong đã trải qua 16 năm phát triển. Doanh nghiệp được thành lập từ năm 2006, sau 2 - 3 năm so với Coteccons, Newtecons; sau 13 năm so với Xây dựng Delta (1993) và sau 19 năm so với Hòa Bình (1987). Giống như các “đàn anh”, An Phong thi công nhiều công trình ở các lĩnh vực công nghiệp, nhà xưởng, hạ tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng.

Ngoài làm tổng thầu xây dựng, An Phong còn đầu tư kinh doanh văn phòng cho thuê. Công ty có 2 dự án là cao tốc văn phòng Star Bulding (quận 1, TP HCM) và AP Tower (Bình Thạnh, TP HCM). Trong đó, Star Bulding có 11 tầng với diện tích sử dụng khoảng 5.500 m2. Còn AP Tower có 22 tầng, diện tích mỗi sàn hơn 500 m2. Theo cập nhật từ một số website, 2 tòa nhà này có giá cho thuê khoảng 22 - 23 USD/m2.

Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, trong 3 năm qua (2019 - 2021), doanh thu của An Phong đều giảm. Năm 2021, doanh thu đạt 2.202 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước và giảm 59% so với năm 2019. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều công trình dừng thi công.

Trái ngược với doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2020 gấp 1,6 lần năm trước. Phần tăng trưởng đến từ thu nhập khác gia tăng và chi phí khác được kiểm soát tốt.

Nhà thầu An Phong - đối thủ đáng gờm của Xây dựng Hòa Bình, Ricons - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng

Trong năm 2020, An Phong có tiến hành tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng và duy trì đến năm 2021.

Phải thu ngắn hạn của khách hàng qua các năm đều chiếm gần một nửa so với tổng tài sản. Tại năm 2021, phải thu ngắn hạn chiếm 47% tổng tài sản, đạt 988 tỷ đồng.

Cùng với đó, tồn kho cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản. Năm 2021, tỷ lệ này là 23%, tương đương năm trước.

Về nợ vay tài chính, năm 2021, An Phong nợ 360 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đạt 58%.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệu quả kinh doanh của An Phong đáng ghi nhận. Hệ số ROS (lợi nhuận/doanh thu) năm 2021 của An Phong cao hơn 4 doanh nghiệp Delta, Xây dựng Hòa Bình, Ricons và Newtecons, đạt 1,5% (tức 100 đồng doanh thu đem lại 1,5 đồng lợi nhuận). Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn Central (2,3%), Hưng Thịnh Incons ( 3,9%) và Coteccons (7,8%).

Nhà thầu An Phong - đối thủ đáng gờm của Xây dựng Hòa Bình, Ricons - Ảnh 3.

Đối với ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), An Phong đạt 5% năm 2021, cao hơn Hòa Bình, Delta, Ricons và thấp hơn Newtecons, Coteccons, Hưng Thịnh, Central.

Nhà thầu An Phong - đối thủ đáng gờm của Xây dựng Hòa Bình, Ricons - Ảnh 4.