Lai lịch bất ngờ của Vinasing Group chi 2.400 tỷ mua lại dự án từ ông Dũng “lò vôi”: Công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng

Vinasing Group là chủ của loạt công trình công cộng quen thuộc trên địa bàn TP. Hà Nội gồm máy lọc nước thông minh, nhà vệ sinh công cộng, ghế gang gỗ trong công viên...

Tối 26/9, theo nguồn tin của VTC News, ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng "lò vôi"), Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tân Khai đã chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Đại Nam (thị Trấn Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho Công ty Cổ phần Vinasing Group với Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này hơn 2.434 tỷ đồng. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).

Được biết, Khu dân cư Đại Nam do Công ty TNHH MTV Tân Khai làm chủ đầu tư, vị trí tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (thị Trấn Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Tháng 6/2018 dự án được UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Lai lịch bất ngờ của Vinasing Group chi 2.400 tỷ mua lại dự án từ ông Dũng “lò vôi”: Công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 1.

Với quy mô 96,7ha (2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường PTTH), dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người.

Trước thông tin này, nhiều người đang rất chú ý về đơn vị đã mua lại một phần Khu dân cư Đại Nam.

Vinasing Group là đơn vị nào?

CTCP Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ (sinh ngày 3/9/1979) là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Ngoài Vinasing Group, ông Thơ còn là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Bay dịch vụ khinh khí cầu quốc tế.

Theo thông tin công bố, đơn vị này bắt đầu đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19/10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Địa chỉ trụ sở chính tại tầng 12, tòa nhà 188 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến nay Vinasing Group đã qua 3 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, lần gần nhất là ngày 24/8/2022.

Đây là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính về lĩnh vực môi trường, bao gồm đầu tư xã hội hóa (hệ thống nhà vệ sinh công cộng, cây lọc nước uống trực tiếp, ghế gang đúc công viên…), truyền thông – quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết đã dành một phần lợi nhuận trong nhiều năm hoạt động để tài trợ cho TP. Hà Nội hơn 193 tỷ đồng, đầu tư cho các công trình công ích phục vụ cộng đồng và dân sinh gồm: 500 nhà vệ sinh công cộng, 200 ghế gang đúc/inox, 20 cây lọc nước uống trực tiếp và 10 xe bồn chuyên dụng.

Lai lịch bất ngờ của Vinasing Group chi 2.400 tỷ mua lại dự án từ ông Dũng “lò vôi”: Công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 2.

Máy lọc nước thông minh do Vinasing quản lý trên địa bàn TP. Hà Nội

Lai lịch bất ngờ của Vinasing Group chi 2.400 tỷ mua lại dự án từ ông Dũng “lò vôi”: Công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 3.

Nhà vệ sinh công cộng

Về mảng truyền thông - quảng cáo, Vinasing Group hiện đang độc quyền khai thác quảng cáo trên cầu vượt bộ hành trên địa bàn TP. Hà Nội với dự án lắp đặt biển quảng cáo tại 45 cầu vượt được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận.

Thông tin trên website cho biết Vinasing Group là đối tác kinh doanh của nhiều nhãn hàng tên tuổi trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, VNPT, Sabeco, Vietinbank, Ford, Pepsi, Panasonic, Honda, Vinamilk...

Lai lịch bất ngờ của Vinasing Group chi 2.400 tỷ mua lại dự án từ ông Dũng “lò vôi”: Công ty chuyên về truyền thông quảng cáo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 4.

Quảng cáo trên cầu vượt bộ hành

Vinasing Group đặt mục tiêu trở thành đơn vị số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xã hội hóa các công trình công cộng.

Còn về dự án Khu dân cư Đại Nam mà Vinasing Group mua lại một phần từ ông Dũng, ghi nhận thực tế cho biết sau hơn 4 năm triển khai, dự án vẫn đang trong tình trạng vắng vẻ, không một bóng người. Một số đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống. Hiện chưa rõ Vinasing Group sẽ tiến hành làm gì với dự án này sau khi chi hơn 2.400 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng.