Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát năm 2023

Ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, UBTVQH đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Giám sát bảo đảm sát đúng

Sáng 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đây là lần thứ 2 UBTVQH tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, sau thành công của Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 4/11/2021.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.

Tiêu điểm - Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát năm 2023

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc hội nghị.

Cùng với đó, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của ĐBQH các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.

Thượng tướng Trần Quang Phương khẳng định, yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời phải đáp ứng và gắn với yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị.

Chủ động huy động tối đa sự vào cuộc một cách chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông và hoạt động phục vụ giám sát của Quốc hội, UBTVQH, để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về hoạt động và kết quả giám sát.

Vì vậy, ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, UBTVQH đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, giám sát bảo đảm sát đúng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Đặc biệt trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. UBTVQH cũng đã ban hành ba Nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát. 

Trọng tâm là đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát 

Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị giữa các nước đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, UBTVQH kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế; đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Tiêu điểm - Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát năm 2023 (Hình 2).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát; hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện.

Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện có hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo; Giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả; Công tác chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm.

Theo chương trình hội nghị, các nội dung nghị sự chính bao gồm: Đánh giá khái quát tình hình triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 và triển khai các nội dung thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023.

Trong đó, các đại biểu tham gia ý kiến về: Các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023, tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Cụ thể gồm: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”;

“Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”;

“Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Bên cạnh đó, hội nghị tập trung đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại địa phương; giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo;

Công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Hội nghị cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560 của UBTVQH.