CapitaLand: Từ sự tương đồng trong mô hình chia nhỏ BĐS để bán, đến cuộc đàm phán mua 1,5 tỷ USD tài sản của Vinhomes

Tính tới giữa năm 2021, công ty này đang sở hữu danh mục đầu tư bất động sản lên tới 22 tỷ SGD, trong đó tập trung đầu tư trọng điểm vào các dự án ở ba nước là Singapore, Việt Nam và Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ Reuters, CapitaLand đang đàm phán mua một phần tài sản trị giá 1,5 tỷ USD của VinHomes, có thể bao gồm Ocean Park 3 hoặc một dự án ở Hải Phòng.

Trước khi có thông tin này, CapitaLand từng được nhắc đến khi ông Phạm Nhật Vượng cho ra đời công ty VMI nhằm giúp cho hệ sinh thái của Vingroup vừa kinh doanh bất động sản song vẫn có những sản phẩm cho nhà đầu tư cá nhân để sinh lời từ việc vận hành và cung cấp dịch vụ của các dự án này.

Hình thức này tương đối mới mẻ tại Việt Nam, song trên thế giới, CapitaLand đã hoạt động song song cả hai hình thức và đạt được khá nhiều thành công.

Với Việt Nam, CapitaLand là cái tên không còn quá xa lạ khi sở hữu hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ trải dài từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều công trình gây tiếng vang lớn. Với tầm vóc và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, CapitaLand ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại mảnh đất hình chữ S.

Danh mục đầu tư bất động sản lên tới 22 tỷ SGD tại Singapore, Việt Nam và Trung Quốc

Tập đoàn CapitaLand là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Singapore với công ty mẹ là quỹ đầu tư quốc gia Temasek, trong đó tập trung vào hai mảng chính là đầu tư và bất động sản. Năm 2021, hai mảng này của công ty được tách ra thành hai doanh nghiệp độc lập, trong đó CapitaLand Development phụ trách mảng bất động sản.

Tính tới giữa năm 2021, công ty này đang sở hữu danh mục đầu tư bất động sản lên tới 22 tỷ SGD, trong đó tập trung đầu tư trọng điểm vào các dự án ở ba nước là Singapore, Việt Nam và Trung Quốc.

Hàng trăm dự án đã được CapitaLand đầu tư tại các quốc gia này, trong đó những dự án nổi tiếng có thể kể đến như The Interlace (Singapore), Raffles City Chongqing (Trung Quốc), Vista Verde (Việt Nam)…

Các công trình của CapitaLand đều được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như thẩm mỹ. Từ năm 2001 tới nay, doanh nghiệp này nhận được hàng loạt các giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước cho những công trình mà mình đã xây dựng và phát triển.

CapitaLand: Từ sự tương đồng trong mô hình chia nhỏ BĐS để bán, đến cuộc đàm phán mua 1,5 tỷ USD tài sản của Vinhomes - Ảnh 1.

Một dự án của CapitaLand tại Trung Quốc (Ảnh: CapitaLand)

Các bất động sản thuộc CapitaLand bao gồm các trung tâm mua sắm, khách sạn, căn hộ, văn phòng và nhà ở. Trong đó, tập đoàn lần lượt sở hữu 20 và 46 trung tâm mua sắm lớn nhỏ tại Singapore và Trung Quốc, đồng thời cũng góp mặt trong mảng này tại Malaysia và Nhật Bản.

Với lĩnh vực căn hộ, thông qua công ty con là The Ascott Limited, công ty sở hữu hơn 790 bất động sản thuộc mảng này trên 200 thành phố tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng phát triển hàng loạt các văn phòng hạng A tại Singapore, Đức, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn trong giai đoạn trước dịch Covid – 19. Nhìn chung, tất cả các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực bất động sản đều được CapitaLand chú trọng đầu tư và đạt được những thành công nhất định tại các quốc gia trên thế giới.

CapitaLand: Từ sự tương đồng trong mô hình chia nhỏ BĐS để bán, đến cuộc đàm phán mua 1,5 tỷ USD tài sản của Vinhomes - Ảnh 2.

Một dự án sắp mở bán của CapitaLand tại Việt Nam (Nguồn: CapitaLand)

Mua dự án của Vinhomes củng cố vị thế tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, CapitaLand đã bắt đầu có mặt từ năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh và năm 2008 tại Hà Nội. Đây cũng chính là hai thị trường lớn nhất của tập đoàn tại Việt Nam, với trên 9000 căn hộ đã được CapitaLand cung cấp thông qua 9 dự án nhà ở tới thời điểm hiện tại. Tập đoàn vẫn đang mở rộng việc đầu tư các bất động sản tại 5 tỉnh thành lớn khác ở nước ta bên cạnh Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực căn hộ nhà ở và căn hộ dịch vụ.

Trong đó, The Ascott Limited đang nắm giữ danh mục đầu tư gồm 4600 căn hộ dịch vụ thuộc 21 tòa nhà tại nước ta, theo thông tin từ CapitaLand. Trong thời gian tới, tập đoàn này dự kiến sẽ đưa ra thị trường thêm 2 dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh là Zenity (quận 1) và Define (quận 2). Trong giai đoạn gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, tập đoàn đã giành được rất nhiều thành tựu lớn trong việc phát triển bất động sản, trong đó có giải thưởng Rồng Vàng cho dịch vụ tốt nhất trong nhiều năm.

Mặc dù đã trở thành một trong những công ty phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, song CapitaLand vẫn tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại nước ta đang gặp nhiều khó khăn thì mới đây, CapitaLand đã hỏi mua lại một phần tài sản của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam tính theo giá trị thị trường là Vinhomes.

Thương vụ này được cho là trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó tài sản được mua lại có thể là một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes – thành phố nghỉ dưỡng gần Hà Nội với diện tích 294 ha, hoặc một dự án khác tại Hải Phòng, theo thông tin từ Reuters. Thương vụ hiện vẫn đang được đàm phán và hai bên đều từ chối đưa ra nhận định của mình, song nếu thành công, đây sẽ là một trong những vụ mua bán lớn nhất thuộc ngành bất động sản trong vài năm trở lại đây tại Đông Nam Á.

Với việc coi Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm, dễ hiểu vì sao CapitaLand không chỉ tạo ra dấu ấn thông qua các dự án đã thực hiện, mà còn muốn thâu tóm thêm dự án từ các công ty trong nước nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng. Nếu thực hiện thành công thương vụ với Vinhomes, CapitaLand Development sẽ ngày một xây chắc vị thế của mình trong ngành bất động sản tại Việt Nam, đồng thời đem lại hy vọng vực lại ngành kinh doanh vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn gần đây.