Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sửa đổi quy định mua sắm, đấu thầu thuốc

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cần thay đổi luật đấu thầu, nhất là liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện.

Ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đến Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc, khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại đây nhằm góp ý cho dự án Luật Đấu thầu sửa đổi.

Vì sao thiếu thuốc, vật tư?

Tại buổi làm việc, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị giá viện phí được tính đúng tính đủ, tháo bỏ các quy định chưa phù hợp trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng như cho phép được sử dụng máy mượn, máy đặt….

Thạc sĩ, bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian qua đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến thiếu một số thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân.

Theo đó, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, thuốc điều trị chuyên sâu, bệnh viện còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến trong một số thời điểm nhất.

Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Tài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên quá nhiều, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 3.201 giường bệnh, là tuyến cao nhất tiếp nhận và điều trị người bệnh từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. 

Hiện bệnh viện đang tự đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên theo nghị định 60. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện thu 3.134 tỷ đồng, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (3.244,9 tỷ đồng). Do đó, lý giải tình trạng thiếu thuốc, có nguyên nhân quá tải bệnh viện, ngoài ra một phần do vướng quy trình đấu thầu, mua sắm.

Sự kiện - Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sửa đổi quy định mua sắm, đấu thầu thuốc

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sửa đổi quy định mua sắm trang thiết bị, thuốc.

Khó khăn nhất là giai đoạn xây dựng giá dự toán, có những mặt hàng trong thời điểm đánh giá hồ sơ thầu vẫn còn lưu hành nhưng khi dự thầu đã hết hạn, không thể mua được.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường, trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung giá mà Bộ Y tế quy định.Việc mua thuốc hiếm cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân trong cung ứng thuốc.

Từ đó, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM như sau: Thời gian tới, việc đấu thầu thuốc nên thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia hoặc cho bệnh viện áp dụng chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo thuốc điều trị bệnh nhân.

Về giá hàng hóa mua sắm, thạc sĩ Tài đề nghị nên cho phép các cơ sở y tế lựa chọn giá thuốc, vật tư y tế “hợp lý nhất” chứ không phải là “giá thấp nhất” như quy định về đấu thầu bấy lâu nay....

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách trong y khoa" để các bệnh viện có thể chỉ định thầu, đảm bảo nguồn thuốc cung ứng cho người bệnh, không bị gián đoạn. 

Sự kiện - Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sửa đổi quy định mua sắm, đấu thầu thuốc (Hình 2).

TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thay mặt bệnh viện phát biểu ý kiến.

Nguy cơ phải đóng cửa bệnh viện nếu không sửa luật

Chia sẻ tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi tự chủ tài chính, nhất là khi tình hình máy móc, trang thiết bị đã cũ, hỏng cần mua mới. Nếu quy định không được cho sử dụng máy mượn, máy đặt thì bệnh viện có nguy cơ đóng cửa.

“Bệnh viện Chợ Rẫy tự chủ tài chính từ năm 2009, đến nay các máy móc đều đã cũ, hỏng cần mua mới. Tuy nhiên, giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ thì bệnh viện không có tiền để mua máy mới, buộc phải sử dụng máy mượn, máy đặt. Nhưng giờ không cho mượn máy, đặt máy thì bệnh viện sẽ phải đóng cửa vì không có máy để xét nghiệm cho bệnh nhân”, Tiến sĩ Hải cho biết.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất, cần tính đúng, tính đủ giá viện phí với đủ 7 thành phần cấu thành giá, trong đó gồm: chi phí khấu hao tài sản, chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng và chuyển giao công nghệ.

Sự kiện - Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sửa đổi quy định mua sắm, đấu thầu thuốc (Hình 3).

Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Bảo hiểm y tế nên bỏ hạn chế định mức số ca xét nghiệm/ngày/máy hay số lượt khám bệnh/ngày/bác sĩ.

Các bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện có trình độ chuyên môn cao, do đó, việc siêu âm, xét nghiệm, khám bệnh được thực hiện rất nhanh, nếu khống chế số ca/ngày thì chưa tận dụng đúng năng lực và công suất thực. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy rất đông, nhu cầu rất lớn.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM ghi nhận nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian qua, đặc biệt, trong bối cảnh vât tư thiết bị thiếu, cũ, cơ sở vật chất xuống cấp….nhưng phải chăm sóc, điều trị cho số lượng bệnh nhân rất lớn tại phía Nam.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM sẽ tổng hợp, đánh giá lại để gửi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội xem xét nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại kéo dài ở các bệnh viện.

PV